Ăn cơm nhiều có mập không?
Cơm là một loại thức ăn được làm ra từ gạo bằng cách đem nấu với một lượng nước vừa đủ. Cơm trắng được nấu từ gạo tẻ và không có thêm gia vị. Cơm trắng còn là nguyên liệu cho các món cơm rang, cơm cháy, cơm hến…
Một bữa ăn truyền thống của người Việt không thể thiếu cơm. Hiện nay, nhiều người thắc mắc rằng “ăn nhiều cơm có mập không?”. Dưới đây là những thông tin hữu ích về món cơm trắng.
Giá trị dinh dưỡng của cơm trắng
Thành phần chủ yếu trong cơm trắng là tinh bột. Khi cơ thể hấp thu, tinh bột sẽ chuyển hóa thành đường và biến đổi thành năng lượng cung cấp cho cơ thể hoạt động.
Protein (đạm) thực vật chứa trong cơm trắng cung cấp cho cơ thể các amino acid để tạo ra mô bì, enzym, kích thích tố và chất kháng sinh. Ngoài ra, cơm trắng còn chứa nhiều vitamin B1, B2, niacin, vitamin E, một ít chất sắt, kẽm và các chất khoáng như magie, kali, phospho, canxi.
Lợi ích của cơm trắng
Với hàm lượng dinh dưỡng dồi dào, cơm mang lại nhiều bổ ích cho sức khỏe của mọi người. Dưới đây là những lợi ích mà cơm mang lại cho chúng ta:
- Tác dụng ngăn ngừa ung thư. Trong cơm có chứa đầy đủ các loại sợi không hòa tan, hoạt động như một lá chắn xung quanh cơ thể, ngăn chặn sự tăng trưởng của tế bào ung thư.
- Kiểm soát huyết áp. Đối với người bị cao huyết áp, đừng bỏ bữa mà hãy ăn cơm hằng ngày. Hàm lượng natri thấp trong gạo rất tốt cho người cao huyết áp. Bên cạnh đó, ăn cơm đều đặn cũng làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch.
- Làm đẹp da. Trong cơm có chứ nhiều các chất oxy hóa giúp ngăn ngừa quá trình lão hóa da.
- Giảm lượng cholesterol. Trong cơm không có chứa các chất béo có hại nên góp phần làm giảm cholesterol trong cơ thể.
Ăn cơm nhiều có mập hay không?
Ăn cơm có nhiều lợi ích và chứa giá trị dinh dưỡng cao. Vậy ăn nhiều cơm có thật sự tốt?
Theo nhận định của các chuyên gia dinh dưỡng, với một người lớn chỉ cần ăn 3 chén cơm một bữa là có thể đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng để lao động cũng như phát triển khỏe mạnh.
Thực tế thấy rằng, phần lớn mọi người, nhất là những người lao động chân tay đều ăn nhiều hơn 3 chén mỗi bữa, chưa kể trong các món ăn kèm theo cũng chứa không ít tinh bột. Vì thế, nguy cơ thừa năng lượng, thừa cân, béo phì từ tinh bột nói riêng và toàn bộ thức ăn thu nạp trong ngày nói riêng là rất cao.
Thạc sĩ Doãn Tường Vi, Trưởng khoa Dinh dưỡng bệnh viện 198 cho biết, tinh bột là tác nhân chính gây ra mỡ thừa ở bụng, mông, đùi. Chất này có trong cơm, bánh mì, bột mì, khoai tây, mì, cà rốt, hoa quả, một số loại rau nhiều tinh bột... Vì thế muốn giảm cân hoặc duy trì cân nặng, cắt giảm lượng tinh bột tiêu thụ hàng ngày cũng là một cách hay.