Cẩm nang làm đẹp
Những Bí Quyết Chăm Sóc Sức Khỏe Gia Đình

Có thể trị dứt điểm bệnh viêm tai giữa ở trẻ không

Có thể trị dứt điểm bệnh viêm tai giữa ở trẻ không?


Viêm tai giữa ở trẻ nhỏ được xếp vào nhóm bệnh viêm đường hô hấp trên. Đây là một trong những bệnh rất thường gặp ở bên trong tai trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi với nhiều hậu quả xấu.

 

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm hoặc để lại di chứng nặng nề, rất khó khắc phục, ảnh hưởng đến sức nghe của trẻ. Việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời, đúng đắn, đóng vai trò quyết định trong tiên lượng bệnh, phòng ngừa biến chứng và các hậu quả lâu dài đối với trẻ.


Dấu hiệu nhận biết viêm tai giữa mủ


Cách chính xác nhất để xác định con bạn có bị viêm tai giữa cấp hay không chính là dựa vào những dấu hiệu của diễn biến bệnh. Thông thường Viêm tai giữa mủ thường đi sau viêm mũi họng.


- Giai đoạn xung huyết, mủ chưa kịp hình thành. Lúc này trẻ đang chảy mũi vàng xanh, ngạt tắc mũi đột nhiên xuất hiện đau nhói trong tai, đau lan từ tai lên thái dương hoặc xuống họng. Có thể sốt hoặc không sốt tùy phản ứng của cơ thể. Trẻ kêu trong tai có tiếng ù, sức nghe giảm. nGiai đoạn này nếu được điều trị ngay sẽ có khả năng khỏi cao. Nếu giai đoạn này bị bỏ qua, mủ sẽ bắt đầu xuất hiện trong tai.


- Tiếp theo trẻ bị sốt, đau nhức và tai chảy mủ. Mủ đọng trong tai giữa có thể biến chứng vào não gây viêm màng não, liệt mặt nếu màng nhĩ không vỡ cho mủ chảy ra ngoài. Nếu mủ trong tai giữa không điều trị kịp thời ra khỏi hòm nhĩ sẽ để lại di chứng như viêm tai giữa thanh dịch làm dính chuỗi xương con nằm trong hòm nhĩ để lại hậu quả là sức nghe giảm dần, màng nhĩ bị co kéo, có thể tạo ra chất gọi là cholesteatoma, một loại chất có thể phá hủy xương, gây biến chứng nguy hiểm tới tính mạng...


Giải phóng mủ khỏi tai giữa bằng cách nào?


Mủ tồn đọng trong tai giữa muốn giải phóng ra ngoài chỉ có hai con đường: Thứ nhất, làm thông thoáng vòi tai để mủ chảy từ hòm tai ra mũi họng. Thứ hai là phải trích rạch màng nhĩ dẫn lưu mủ trong tai giữa.

 


 


 Viêm tai giữa ở trẻ em thường là viêm cấp do nhiễm trùng hoặc ứ đọng dịch trong hòm tai mà thành


 Trong trường hợp viêm tai giữa mủ để lại di chứng thành viêm tai giữa thanh dịch, người ta phải thực hiện thủ thuật đặt một ống thông ở màng nhĩ với mục đích cân bằng áp lực giữa tai giữa và môi trường bên ngoài nhằm bảo đảm cho niêm mạc tai giữa được sống trong môi trường bình thường. Sau ít nhất khoảng 6 tháng, mủ trong tai giữa được hấp thu dần dần đến hết.


Mủ trong tai giữa cần được xử lý kịp thời và đúng cách với mong muốn trả lại chức năng sinh lý cũng như sức nghe bình thường cho trẻ. Nếu mủ tồn đọng trong tai giữa, sức nghe trẻ sẽ giảm, đặc biệt các tần số trầm, trẻ không nói được những âm trầm như u, m, n, ng... khiến trẻ sẽ thành nói ngọng.


Nếu mủ viêm tai giữa cấp tự vỡ, lỗ thủng trên màng nhĩ thường nhỏ, ít khi đủ dẫn lưu được mủ trong tai giữa, lúc này cần chỉ định trích rạch rộng thêm lỗ thủng, dẫn lưu mủ trong tai giữa. Những trường hợp này cần điều trị viêm tai giữa một cách triệt để, sau khi sức nghe được phục hồi, trẻ sẽ được huấn luyện nói lại cho trẻ từng âm, từng vần mà trẻ mắc lỗi. Việc điều trị mang tính kiên trì, do đó phải thuyết phục và giải thích để bố mẹ trẻ kết hợp điều trị với bác sĩ mới có hiệu quả.

 


 


Chữa trị dứt điểm mủ tai giữa


Điều trị nội khoa đi kèm với các thủ thuật mới có kết quả tuyệt đối. Kháng sinh toàn thân kết hợp giảm viêm, tiêu mủ. Tại chỗ có thể làm thuốc tai trong 5 - 7 ngày, thuốc nhỏ tai kháng sinh (thuốc sử dụng cho tai thủng - otofa, effexine), chống viêm...


Tuy nhiên cách tốt nhất là đừng để mủ hình thành trong tai giữa bằng cách điều trị triệt để các viêm nhiễm có thể gây biến chứng viêm tai như viêm V.A, viêm mũi xoang, viêm amiđan... Nếu đã xác định được là có mủ trong tai giữa cần đến cơ sở chuyên khoa tai mũi họng để điều trị.

Đánh Giá


Đối tác